Lợi ích và Tầm quan trọng của Chứng nhận Halal

Nhận thức được nhu cầu nhập khẩu cao của các thị trường Hồi giáo trên thế giới mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nên ngày 30/11 vừa qua, lần đầu tiên, Diễn đàn “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam” đã được tổ chức tại Hà Nội. Theo các báo cáo, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu dự kiến đạt 740 tỷ USD vào năm 2020.

“Halal” theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc “được phép dùng”. Thuật ngữ này thường được dùng trong đời sống của người Hồi giáo để mô tả cái gì đó/ điều gì đó là được phép ăn/ uống/ sử dụng/ thực hiện. Đối lập với Halal là “Haram” – nghĩa là “trái luật” hoặc “bị cấm”. Theo đó, “sản phẩm Halal” là sản phẩm mà người Hồi giáo được phép ăn uống/ sử dụng.

Người Hồi giáo chỉ sử dụng các sản phẩm Halal. “Mushbooh” có nghĩa là “nghi ngờ”. Trong trường hợp các sản phẩm không xác định được là Halal hay Haram (đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm có qua sơ chế/ chế biến/ bảo quản) thì người Hồi giáo sẽ không sử dụng. Các sản phẩm nhận được Chứng nhận Halal sẽ được người Hồi giáo tin tưởng lựa chọn và sử dụng.

Đối lập với Halal là Haram, có nghĩa là bất hợp pháp, không được phép hoặc bị cấm. Các loại thực phẩm sau đây là Haram thường gặp: (1) Lợn (heo), chó; Tất cả các sản phẩm phụ của thịt lợn và/hoặc các dẫn xuất của chúng; (2) Các loài động vật trên cạn không được giết mổ theo nghi thức của người Hồi giáo (bò, gà, cừu…); (3) Các loài động vật lưỡng cư (ếch, rắn…); (4) Động vật có răng nanh, móng vuốt (gấu, hổ, báo, mèo…) và chim săn mồi bằng chân (đại bàng, diều hâu…); (5) Động vật có nọc độc; (6) Sản phẩm và/hoặc phụ phẩm từ các sinh vật biến đổi Gen (GMOs) mang gen Haram; (7) Phụ gia có thành phần rượu, bia, hoặc sản phẩm phụ của ngành công nghiệp đồ uống chứa cồn; (8) Một số Haram khác (tham khảo thêm Tiêu chuẩn Halal – MS 1500:2019).

Đặc biệt, các nguyên liệu, phụ gia, hóa chất… có thành phầm không đảm bảo/ không rõ tình trạng Halal cũng bị xem là Haram. Các sản phẩm sử dụng các nguyên liệu/ chất phụ trợ sản xuất từ thành phần Haram (trong quá trình sản xuất sản phẩm) đều không nhận được Chứng nhận Halal.

Chứng nhận Halal 

Đây là quá trình xem xét đánh giá độc lập, khách quan của cơ quan/ tổ chức được cấp phép để xác nhận rằng những sản phẩm/dịch vụ cụ thể được đánh giá không sử dụng các thành phần Haram (chất cấm – theo quy định của luật Hồi giáo) và điều kiện sản xuất/ cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu của Kinh Qur’an và luật Shari’ah và tiêu chuẩn Halal.

Tất cả các Tổ chức có tư cách pháp nhân, không phân biệt thành phần kinh tế, quy mô, điều kiện tài chính, nhân sự… đều có thể đăng ký và được đánh giá chứng nhận. Tiêu chuẩn được sử dụng làm chuẩn mực để đánh giá Chứng nhận Halal cho sản phẩm là các hướng dẫn của MUI – Indonesia, JAKIM – Malaysia, GSO và các hướng dẫn thích hợp của các tổ chức quốc tế khác. Những sản phẩm có thể đăng ký Chứng nhận Halal là các sản phẩm vật thể được sản xuất hàng loạt và có nhãn hiệu thương mại rõ ràng thuộc các lĩnh vực mà Nhà nước sở tại cho phép sản xuất.

Những loại sản phẩm thường được yêu cầu Chứng nhận Halal, gồm có: Thực phẩm Halal; Thực phẩm chức năng Halal; Mỹ phẩm Halal; Dược phẩm Halal; Thức ăn chăn nuôi Halal; Thức ăn thủy sản Halal; Các sản phẩm chăm sóc cá nhân Halal… Sau khi được cấp Chứng nhận Halal, doanh nghiệp sẽ được cấp logo Halal. Sản phẩm được mang dấu Halal trực tiếp trên sản phẩm và/hoặc trên bao bì của sản phẩm.

Hệ thống đảm bảo Halal 

Hệ thống đảm bảo Halal (Halal Assurance System – HAS) là một hệ thống quản lý để duy trì trạng thái Halal của các sản phẩm đã đạt được Chứng nhận Halal. Cụ thể, đây là một hệ thống quản lý tích hợp được xây dựng và phát triển, triển khai và duy trì giúp quản lý nguyên liệu, quy trình sản xuất, sản phẩm, nguồn nhân lực và quy trình nhằm duy trì tính bền vững của quy trình sản xuất Halal theo yêu cầu của tiêu chuẩn Halal.

Nó đóng vai trò là tài liệu hướng dẫn để duy trì tính nhất quán của sản phẩm Halal do công ty sản xuất. Hệ thống được coi như một cơ chế nội bộ trong giám sát, kiểm soát, cải tiến Halal và ngăn chặn bất kì sự không tuân thủ nào trong sản xuất sản phẩm Halal. Nhờ đó, giúp giảm thiểu và kiểm soát các mối nguy Halal, bảo đảm tính toàn vẹn trong sản xuất Halal. Hệ thống đảm bảo Halal (HAS) dựa trên các nguyên tắc của HACCP. Đặc biệt nhấn mạnh vào quá trình cung cấp (đặc biệt là nguồn gốc của tất cả các nguyên liệu thô, thứ cấp và phụ trợ), quy trình vệ sinh và quá trình truy xuất nguồn gốc.

Hệ thống quản lý Halal có thể dễ dàng tích hợp vào tất cả các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm quốc tế (như: ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000) cho phép các công ty chứng nhận sản phẩm của họ là Halal theo cách đơn giản và chi phí thấp.

Những điểm cơ bản của việc phát triển Hệ thống quản lý Halal được chấp nhận là: Xây dựng Chính sách Halal đã được phê duyệt; Phát triển đội ngũ quản lý Halal chuyên dụng; Phát triển một phân tích vững chắc về các điểm quan trọng Halal của quy trình sản xuất và tích hợp chúng trong phân tích HACCP.

Các nội dung quan trọng để đào tạo cho cán bộ tham gia vào quá trình Halal, gồm có: cung cấp nguyên liệu và phụ trợ, làm sạch và khử trùng, sản xuất, bảo quản, vận chuyển, phân phối, quy định cho phòng thu mua nguyên liệu Halal (Chứng nhận Halal nguyên liệu….); Tích hợp quy trình truy xuất nguồn gốc và ghi nhãn; Tích hợp hệ thống đảm bảo Halal trong chương trình kiểm toán nội bộ; Tích hợp các yêu cầu Halal trong quy trình sản xuất không phù hợp; Tích hợp các yêu cầu Halal trong thủ tục thu hồi; Tích hợp các yêu cầu Halal trong quy trình thiết kế / sửa đổi sản phẩm; Áp dụng đúng quy trình dán nhãn Logo. 

Chứng nhận Halal – Giấy thông hành cho thị trường Hồi giáo 

Người Hồi giáo chỉ mua các sản phẩm có Chứng nhận Halal. Do đó, các sản phẩm sau khi được Chứng nhận Halal sẽ có được những lợi ích quan trọng như: Đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo. Sản phẩm được người Hồi giáo tin tưởng mua, sử dụng. Tạo lòng tin cho người tiêu dùng, được người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới (người Hồi giáo và người không phải Hồi giáo) lựa chọn, vì đáp ứng được các yêu cầu cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chứng nhận Halal của nguyên liệu là phương pháp chứng minh đơn giản, tin cậy và tiết kiệm nhất, đặc biệt là các nguyên liệu có nguồn gốc động vật.

Chứng nhận Halal giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản phẩm Halal trên thế giới. Chứng nhận Halal tạo thuận lợi trong việc marketing, chào hàng và tiếp cận thị trường Hồi giáo với gần 2 tỷ người (chiếm 25% dân số thế giới); Dự kiến năm 2030 sẽ tiếp tục tăng lên (chiếm 30% dân số thế giới).

Chứng nhận Halal là chương trình đánh giá theo chuẩn mực quốc tế cho sản phẩm/ dịch vụ có trách nhiệm. Đây là quá trình xem xét, đánh giá độc lập, khách quan để xác nhận/ công nhận rằng những sản phẩm/ dịch vụ cụ thể được đánh giá không sử dụng các thành phần Haram và điều kiện sản xuất/ cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu của luật Shari’ah và tiêu chuẩn Halal. 

Tiếp cận thị trường Hồi giáo 

Điều kiện cơ bản để sản phẩm được Chứng nhận Halal là: Sản phẩm không phải Haram và/hoặc sử dụng những thành phần không phải Haram, phù hợp với các yêu cầu của luật Shari’ah và thiên kinh Quran; Tổ chức phải có hệ thống kiểm soát sản xuất phù hợp tiêu chuẩn Halal, hoặc có các yêu cầu đảm bảo chất lượng tương tự; phải đào tạo cho nhân viên, thực hiện đánh giá nội bộ việc áp dụng tiêu chuẩn Halal; Dây chuyền sản xuất không lẫn lộn Halal và Haram (đối với các doanh nghiệp có sản xuất các sản phẩm liên quan đến động vật: bắt buộc áp dụng các yêu cầu nghiêm ngặt hơn). Bên cạnh đó, tiếp tục chịu sự giám sát sau chứng nhận qua việc xem xét các yếu tố bảo đảm chất lượng và có kết quả thử nghiệm mẫu sản phẩm lấy từ Tổ chức sản xuất và/hoặc thị trường.

Chứng nhận Halal có thể áp dụng cho tất cả các loại sản phẩm không phải là Haram hoặc không chứa bất kì thành phần nào là Haram và đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal. Tuy nhiên, hiện nay, trên thế giới, những thị trường Hồi giáo chưa đồng nhất về Chứng nhận Halal mà có những yêu cầu và tiêu chuẩn Halal riêng.

Chứng nhận Halal quốc tế và hợp lệ 

Hiện nay, có rất nhiều công ty sử dụng Chứng nhận Halal giả hoặc Chứng nhận Halal không được công nhận quốc tế dẫn đến khi xuất khẩu không được chấp nhận hoặc trường hợp doanh nghiệp cần tìm nguồn nguyên liệu Halal nhưng không xác minh được Chứng nhận Halal cho nguyên liệu có đúng và hợp lệ hay không. Chính vì lý do này Halal Việt Nam HVN đã hướng dẫn doanh nghiệp cách kiểm tra Chứng nhận Halal như thế nào là Chứng Halal quốc tế và hợp lệ. Theo đó, doanh nghiệp cần dựa vào các thông tin sau để xác định Chứng nhận Halal đó có hợp lệ không để đưa ra quyết định mua hàng:

(1) Giấy Chứng nhận Halal phải được cấp bởi các tổ chức Chứng nhận Halal Quốc tế. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều tổ chức Chứng nhận Halal nhưng chỉ có những thị trường Hồi giáo lớn mới có các tổ chức công nhận và Chứng nhận Halal uy tín và được các nước Hồi giáo chấp nhận. Tuy nhiên, mỗi thị trường Hồi giáo lại có những quy định riêng nên Doanh nghiệp xuất khẩu cần xác định thị trường và chọn Chương trình Chứng nhận Halal phù hợp. Một số cơ quan công nhận uy tín trên thế giới có công bố danh sách các Tổ chức Chứng nhận Halal: Cơ quan công nhận JAKIM (Malaysia); Cơ quan công nhận ESMA (UAE); Cơ quan công nhận MUI (Indonesia).

(2) Giấy chứng nhận còn hiệu lực: Giấy Chứng nhận Halal là chứng nhận cho sản phẩm vì vậy cần chú ý tên sản phẩm trên bao bì phải khớp với tên sản phẩm trên chứng nhận; Ngày sản xuất sản phẩm nằm trong khoảng hiệu lực chứng nhận. Khi sắp hết hạn hiệu lực chứng nhận, doanh nghiệp cần liên hệ với tổ chức chứng nhận để đánh giá và cấp giấy để duy trì hạn hiệu lực chứng nhận. Chứng nhận Halal là chứng nhận cho những sản phẩm/ dịch vụ cụ thể được đánh giá không sử dụng các thành phần Haram và điều kiện sản xuất/ cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu của luật Shari’ah và tiêu chuẩn Halal.

Tuy nhiên, hiện có nhiều tiêu chuẩn Halal do các cơ quan có thẩm quyền ban hành (đặc biệt là các quốc gia Hồi giáo). Vì vậy, tiêu chuẩn Halal sẽ khác nhau tại các quốc gia Hồi giáo và việc hài hòa hóa tiêu chuẩn Halal cũng như công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia vẫn đang trong quá trình đàm phán. Trước mắt, doanh nghiệp Việt Nam cần xác định thị trường xuất khẩu và chọn chương trình chứng nhận phù hợp (JAKIM/ MUI/ GCC) để đạt được tiêu chuẩn Halal đúng với thị trường xuất khẩu./.

Để được tư vấn về Halal và các vấn đề liên quan, vui lòng liên hệ HVN:

Halal Việt Nam HVN – Hội đồng đánh giá và cấp chứng nhận Halal tại Việt Nam
– Trụ sở
: Số 4/67- An Đào C, Thị trấn Trâu Quỳ, Huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
– Chi nhánh HCM: P.702A Tầng 7, Tòa Nhà Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 08, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
– Hotline: +84 90 637 8666; +84 936 220 768
– Email: info@halalvietnam.vn
– Fanpage: fb.com/halalvietnam.vn
– Website: https://halalvietnam.vn/