Thị trường xuất khẩu Việt Nam ngày càng được lớn mạnh khi nhiều quốc gia đang dần mở cửa để chào đón những hàng hóa từ Việt Nam. Việt Nam cũng không ngừng khai thác những thị trường tiêu thụ tiềm năng. Trong đó không thể không kể đến thị trường Trung Đông, nơi tập trung phần lớn người Hồi Giáo. Tuy nhiên, thực phẩm được nhập vào thị trường này cần có chứng nhận Halal. Để đáp ứng quy trình cung cấp chứng nhận Halal, Việt Nam đã thành lập một trung tâm cung cấp chính tại đồng bằng sông Cửu Long. Hãy tìm hiểu những thông tin thêm về chứng nhận Halal này nhé.
Chứng nhận Halal là chứng nhận được áp dụng đối với nông sản và hàng hóa trên toàn thế giới nếu những mặt hàng này muốn nhập khẩu vào các quốc gia ở Trung Đông hoặc các quốc gia có người theo đạo Hồi. Giấy chứng nhận Halal xác thực rằng sản phẩm không có chất cấm theo yêu cầu Shari’ah Islamiah (luật Hồi giáo) và đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Người Hồi giáo luôn lựa chọn và tin tưởng những sản phẩm có chứng nhận Halal hơn là những sản phẩm không có nguồn gốc khác.
Chứng nhận Halal là tiêu chuẩn bắt buộc đối với những thực phẩm được nhập khẩu vào thị trường các nước Hồi Giáo
Chứng nhận Halal là quy định bắt buộc khi các doanh nghiệp muốn nhập khẩu nông sản của mình vào thị trường các nước có người theo đạo Hồi. Đạo Hồi đang ngày càng phát triển và lớn mạnh qua mỗi năm. Thị trường này là cơ hội rất lớn và tiềm năng đối với ngành nông nghiệp xuất khẩu của nước ta. . Theo ước tính, từ năm 2010 đến năm 2030, dân số theo đạo Hồi sẽ tăng thêm 35%, từ 1,6 tỷ đến 2,2 tỷ. Như vậy dân số đạo Hồi sẽ chiếm 26% dân số trên thế giới. Chứng nhận Halal sẽ gia tăng niềm tin và lựa chọn của người theo đạo Hồi, tạo ra sự cạnh tranh với những nông sản khác không có chứng nhận Halal.
Chứng nhận Halal sẽ là cơ hội lớn cho nông sản nước ta vươn ra thị trường quốc tế, cạnh tranh với những nông sản trên thế giới. Đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, tăng cơ hội phát triển và tạo lòng tin đối với người tiêu dùng.
Chứng nhận Halal được người Hồi Giáo tin tưởng và lựa chọn trong số hệ thống cung ứng thực phẩm
Chứng nhận Halal còn giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm trên thế giới. Đẩy mạnh sản xuất lương thực và thực phẩm, tăng thu nhập của doanh nghiệp và giá trị của sản phẩm. Đảm bảo sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền an toàn và hợp vệ sinh, nguyên liệu đầu vào không có chất cấm.
Đăng ký chứng nhận Halal sẽ giúp doanh nghiệp nhận được sự tin tưởng và lựa chọn từ khách hàng vì chứng nhận Halal sẽ kiểm tra quy trình sản xuất phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như nguyên liệu đầu vào không bao gồm những chất cấm.
Sáng 6/8, Tổ chức NHO-QSCert (thuộc Công ty TNHH NHONHO – đơn vị chuyên đánh giá, cấp chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế cho hàng hóa Việt Nam) và Tổ chức RSD Management Solution (Malaysia) ký kết thành lập Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam – Malaysia tại Cần Thơ.
Gạo là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu rất lớn tại đồng bằng Sông Cửu Long
Theo ông Hoàng Bá Nghị , Tổng Giám đốc Công ty TNHH NHONHO cho biết: Từ năm 2016 đến nay, thị trường Trung Đông đang đẩy mạnh nhập khẩu thực phẩm từ Việt Nam. Đặc biệt là những mặt hàng như: gạo, rau, củ, thủy sản,… Nhận thấy đây chính là cơ hội lớn mà những doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam cần tận dụng.
“Theo số liệu thống kê, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu sang Trung Đông đạt 12 tỷ USD và đến năm 2018 giá trị kim ngạch đã tăng lên 14 tỷ USD. Cho thấy tiềm năng thị trường này rất lớn”, ông Nghị nói.
Tuy nhiên rào cản lớn nhất qua thị trường này chính là chứng nhận Halal. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lương thực, thực phẩm trọng điểm của nước ta. Việc mở trung tâm cung cấp giấy chứng nhận Halal tại đây sẽ thuận tiện cho nhiều doanh nghiệp trong việc đăng ký chứng nhận Halal.
Ngoài ra, sau khi mở trung tâm cấp chứng nhận Halal. Đội ngũ nhân viên của trung tâm sẽ hỗ trợ và giúp đỡ những doanh nghiệp trong việc kiểm tra và thi hành chứng chỉ Halal được đúng theo quy trình và đảm bảo nhất.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp tại Cần Thơ đã nổi tiếng từ rất lâu nhờ vào những chứng nhận tiêu biểu như: VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Đây chính là một lợi thế lớn để quá trình kiểm tra chứng nhận Halal được nhanh chóng và thuận lợi hơn rất nhiều.
Trao chứng nhận Halal cho các doanh nghiệp tại buổi ký kết hợp tác
Ngay sau lễ ký kết, Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam – Malaysia đã trao Chứng nhận Halal cho 3 doanh nghiệp của thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Nai.
Quy trình cung cấp chứng nhận Halal cho các doanh nghiệp
Quá trình đăng ký chứng nhận Halal là một quy trình kiểm tra chất lượng thực phẩm và dây chuyền sản xuất do những người có chuyên môn từ Trung Đông trực tiếp kiểm tra. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp đã đạt được chứng nhận HACCP hoặc ISO 22000:2005 thì đây là một lợi thế để quy trình xét duyệt chứng nhận Halal dễ dàng hơn. Đối với những doanh nghiệp chưa đạt được những chứng nhận bên trên, sẽ được thực hiện kiểm tra trực tiếp tại nhà xưởng. Việc đánh giá bao gồm kiểm tra các thành phần của nguyên liệu đầu vào, máy móc và dây chuyền sản xuất có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.
Sau khi được cấp chứng nhận Halal, các doanh nghiệp sẽ được giám sát định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc có thể bị kiểm tra đột xuất. Nếu doanh nghiệp vi phạm những tiêu chuẩn Halal có thể sẽ bị thu hồi chứng nhận bất kỳ lúc nào. Khi hết hạn chứng nhận, doanh nghiệp phải đăng ký cấp hiệu lực mới và yêu cầu gia hạn này phải thực hiện trước ít nhất một tháng.